Bí quyết phân biệt triệu chứng bệnh sởi và sốt phát ban

Sởi là căn bệnh gây ra bởi virus cấp tính thuộc họ paramyxoviridae, dễ lây lan qua đường hô hấp như ho, nói chuyện. Trong khi đó sốt phát ban gây ra bởi các virus thông thường gây bệnh hô hấp và chúng lành tính. Đôi khi chúng ta thường nhầm lẫn bệnh sởi thành sốt phát ban nên bỏ qua, khiến cho bệnh sởi trở nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này chúng ta sẽ cũng tìm hiểu cách phân biệt giữa bệnh sởi và sốt phát ban để có thể sớm phát hiện ra bệnh sởi và có cách điều trị đúng đắn.

Cách phòng bệnh sởi hiệu quả

 

Tìm hiểu về bệnh sởi

Bệnh sởi là căn bệnh gây ra bởi virus cấp tính thuộc họ paramyxoviridae. Đặc trưng của căn bệnh này là ban mọc ở cổ, mặt, ngực, thân kèm theo sốt cao. Người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, tiêm nhưng chưa đủ liều hoặc chưa từng bị sởi là những người có nguy cơ mắc sởi rất cao.

Ngay từ giai đoạn đầu ủ bệnh và thậm chí là sau khi phát ban 1 tuần thì các virus gây ra bệnh sởi đã có thể phát tán và lây lan ra cộng đồng xung quanh qua đường hô hấp như ho, nói chuyện

Với phụ nữ mang thai thì thường kháng thể phòng sởi sẽ được truyền từ mẹ cho con qua nhau thai và kháng thể này có thể giúp bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh sởi đến 9 tháng sau khi sinh. Do đó, thường thì trẻ sẽ được tiêm chủng mũi vắc xin phòng sởi đầu tiên sau khi được 9 tháng và tiêm nhắc lại vào thời điểm trẻ được 18 tháng.

Vì là một căn bệnh dễ lây truyền nên sởi là một căn bệnh có thể gây thành dịch. Các dịch sởi thường xảy ra theo chu kỳ 2-4 năm ở những khu vực thành phố lớn vào mùa xuân.

Khi mắc bệnh sởi người bệnh sẽ phải trải qua 3 giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn ủ bệnh của bệnh sởi:

giai đoạn này thường kéo dài khoảng 7-8 ngày, trung bình khoảng 10 ngày. Ở giai đoạn này người bệnh gần như chưa có bất kỳ triệu chứng sởi nào rõ rệt mà thường chỉ có dấu hiệu sốt nhẹ.

Giai đoạn khởi phát của bệnh sởi :

giai đoạn này kéo dài khoảng 3-5 ngày, người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt cao có thể lên đến 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mắt, mắt đỏ, mỏi khớp và cơ. Ngoài ra, người bệnh còn có thể có những triệu chứng khác gần giống như cảm cúm gồm: hắt xì hơi, sổ mũi, ho, viêm thanh quản, tiêu chảy…Một vài trường hợp nếu sốt quá cao có thể kèm co giật.

Giai đoạn phát ban:

Ở giai đoạn này các nốt ban sẽ mọc đầu tiên ở sau tai và sau 24h các nốt ban sẽ bắt đầu lan ra má, cổ, ngực, bụng và 2 cánh tay. Ngày tiếp theo ban sẽ tiếp tục lan ra đến lưng,bụng và mọc lên cả 2 chân vào ngày tiếp theo nữa. Trường hợp nặng nốt ban có thể mọc nhiều ở cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa, chảy máu mũi.

Biểu hiện của bệnh sởi

 

Làm thế nào để phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban?

Sốt phát ban là căn bệnh gây ra bởi các virus lành tính nên thường thì người bị sốt phát ban sẽ dần khỏi sau 1 tuần nếu được chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý, đúng cách. Trong khi đó, bệnh sởi do virus cấp tính thuộc họ paramyxoviridae gây ra, có khả năng lây lan cao và có thể gây ra nhiều biến chứng như biến chứng tiêu hóa, biến chứng hô hấp, biến chứng thần kinh, biến chứng dinh dưỡng có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại hậu quả như mù lòa, chậm phát triển, tổn hại ý thức.

Ban do sởi gây ra là kiểu ban gồ lên trên bề mặt da, sau khi lặn sẽ xuất hiện những vết thâm. Ngoài ra, ban do sởi thường sẽ đi kèm với các triệu chứng như ho, kết mạc đỏ, sổ mũi. Các nốt ban sẽ mọc đầu tiên ở sau tai, sau 24 tiếng sẽ lan dần ra má, mặt, ngực, bụng và lan dần ra chân trong 24 tiếng tiếp theo. Đến khi ban lặn thì cũng sẽ lặn dần theo những trình tự đó.

Trong khi đó ban do sốt phát ban gây ra thường sẽ có màu hồng mịn, ít nổi sần lên bề mặt da. Các nốt ban thường sẽ mọc cùng một lúc trên khắp cơ thể và không để lại bất kỳ dấu vết gì trên da sau khi biến mất.

Hy vọng qua những chia sẻ của Bí Quyết Vàng các bạn sẽ biết nên làm thế nào để phân biệt giữa sởi và sốt phát ban để có cách điều trị phù hợp, không làm cho sởi biến chứng nguy hiểm, góp phần chăm sóc và bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của cả gia đình.