Đinh lăng là vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc Đông Y. Y học cổ truyền đã chứng minh rằng cây đinh lăng có tác dụng chữa nhiều chứng bệnh như suy nhược cơ thể, cảm sốt, mụn nhọt, tê thấp…
Hãy cùng Bí Quyết Vàng khám phá những bí quyết chữa bệnh bằng cây đinh lăng hiệu quả lại cực tiết kiệm dưới đây nhé.
Tác dụng chữa bệnh của cây đinh lăng
Đinh lăng là loại cây thuốc thuộc họ nhân sâm. Thân cây nhỏ, xanh tốt quanh năm. Các bộ phận của cây đinh lăng bao gồm rễ, thân, lá đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Theo Đông Y, rễ cây đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lợi tiểu, trị suy nhược cơ thể. Lá đinh lăng có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải độc, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ, cảm sốt, mụn nhọt. Thân và cành cây đinh lăng có thể sử dụng để chữa thấp khớp, đau lưng.
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng
- Chữa mệt mỏi: bạn lấy rễ cây đinh lăng sắc lấy nước uống sẽ giúp tăng sức khỏe, sự dẻo dai của cơ thể, đẩy lùi mệt mỏi.
- Chữa ho lâu ngày: Lấy rễ cây đinh lăng, bách bộ, đậu sắn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá mỗi loại 8g, 6g củ xương bồ, 4g gừng khô, tất cả cho vào nồi sắc với 600ml nước đến khi còn 250ml thì đổ ra bát, chia làm 2 lần uống trong 1 ngày. Nên uống khi còn nóng.
- Chữa đau cơ khớp, vết thương: Lá đinh lăng 40g, rửa sạch, giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương hay chỗ sung đau, dùng gạc y tế băng lại. Ngày thay thuốc một lần.
- Phòng co giật ở trẻ nhỏ: Lá đinh lăng phơi khô rồi lót vào gối nằm của bé hay trải xuống giường để bé nằm lên.
- Chữa đau lưng, mỏi gối, tê thấp: Thân cây đinh lăng 20 – 30g cho vào nồi sắc lấy nước rồi chia ra 3 lần uống trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể phối hợp thân cây đinh lăng với rễ cây xấu hổ, cúc tần, cam thảo dây để gia tăng dược tính.
- Chữa tắc sữa: Rễ và là của cây đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, giúp chữa tắc sữa ở phụ nữ sau sinh. Lấy khoảng 30 – 40g rễ cây đinh lăng, cho vào nồi sắc với 500ml nước đến khi còn 250ml thì chắt ra, uống nóng. Bài thuốc này có tác dụng chữa tắc tia sữa cực kỳ hiệu quả.
- Chữa liệt dương: Rễ cây đinh lăng, hoài sơn, ý đĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp mỗi loại 12g; trâu cổ, cao ban long mỗi vị 8g, sa nhân 6g. Mỗi ngày sắc uống một thang sẽ giúp chữa chứng liệt dương ở nam giới cực kỳ hiệu quả.
- Chữa viêm gan: lấy 12g rễ đinh lăng, 20g nhân trần, 16g ý đĩ, các vị chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì mỗi vị 12g, uất kim, nghệ, ngưu tất mỗi vị 8g. Mỗi ngày sắc uống 1 thang.
- Chữa bệnh thiếu máu: Người bị thiếu máu có thể lấy rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi loại 100g, tam thất 20g, tất cả tán thành bột. Mỗi ngày dùng 100g hỗn hợp này sắc uống sẽ mang đến hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên cần lưu ý là bạn không nên dùng rễ đinh lăng với liều cao vì có thể khiến bạn bị say, gây mệt mỏi cho cơ thể.
Xem thêm: Bí quyết chữa bệnh đau đầu
- Điều trị sốt, nhức đầu, đau tức ngực, nước tiểu vàng: lấy 30g đinh lăng bao gồm cả rễ và canh, 10g vỏ chanh, 10g vỏ quýt, 20g sài hồ, 20g lá tre tươi, 30g cam thảo đất, 30g rau má, 20g me đất. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào nồi đổ ngập nước, ấn chặt, sắc 500ml nước còn 250ml thì chắt ra, chia thành 3 lần uống.
- Chữa dị ứng, ban sởi, kiết lỵ: Bạn lấy khoảng 10g lá đinh lăng khô sắc với 200ml nước. Dùng nước này uống trong ngày sẽ giúp chữa dị ứng, ban sởi, kiết lỵ cực kỳ hiệu quả.
- Chữa sốt rét: Lấy sài hổ, rễ đinh lăng, mỗi vị 20g, 16g rau má, 12g lá tre, 12g cam thảo, 8 bán hạ, 6g gừng. Mỗi ngày sắc uống một thang.
- Bồi bổ cho sản phụ sau sinh: Đinh lăng có tác dụng bồi bổ khí huyết, điều trị suy nhược cơ thể. Lấy lá đinh lăng nấu canh với thịt hoặc cá sẽ cho tác dụng bồi bổ tương tự như nhân sâm. Cách thực hiện món này tương đối đơn giản, bạn lấy khoảng 200g lá đinh lăng rửa sạch, sau khi thịt hoặc cá được nấu chín bạn cho lá đinh lăng vào nấu vừa chín tới. Món này nên ăn nóng nhé.
Mặc dù là thảo dược lành tính, có nhiều tác dụng tốt trong việc bồi dưỡng và hỗ trợ điều trị bệnh nhưng không nên vì thế mà chúng ta có thể sử dụng đinh lăng một cách tùy tiện. Bạn nên tham khảo lời khuyên của thầy thuốc và tìm hiểu kỹ lưỡng công dụng của từng bài thuốc để sử dụng đúng và hợp lý nhất. Tránh tình trạng dùng thuốc sai bệnh có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.